Nguy cơ xâm hại Khu bảo tồn Sông Thanh đứng trước khó khăn
Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTT) Sông Thanh đang đứng trước những khó khăn trong việc bảo vệ rừng (BVR) cùng công tác bảo tồn đa dạng sinh học…
Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng trong Khu BTTN Sông Thanh. Ảnh: T.H |
Khu BTTN Sông Thanh nằm trong cảnh quan ưu tiên của vùng sinh thái dãy Trường Sơn, là vùng có giá trị đa dạng sinh học, tiếp giáp với Khu BTTN Ngọc Linh. Qua các đợt điều tra, khảo sát của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) – Đông Dương (1997) và Viện Điều tra quy hoạch rừng (1999) đã ghi nhận Khu BTTN Sông Thanh có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó có 23 loài đặc hữu, 49 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá… Ngoài ra, nơi đây còn nằm trong đơn vị bảo tồn hổ của thế giới và trong nước. Toàn hệ thống bảo tồn thuộc khu vực rừng đầu nguồn quan trọng của hệ thống sông Thanh, sông Đắc Pring, Đắc Mi, nơi cung cấp nguồn nước tưới và hạn chế các trận lũ lụt cho vùng hạ du.
Việc triển khai ồ ạt các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản có phép lẫn trái phép, hành động “quay lưng” lại với thiên nhiên của con người đang tác động xấu vào vùng sinh cảnh sông Thanh. Tình trạng người dân ở các làng tái định cư thủy điện khan hiếm đất sản xuất, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững đã xâm hại rừng, săn bắt động vật quý hiếm đang ngày càng báo động. Trong khi đó, công tác quản lý, BVR bộc lộ không ít bất cập. Đến nay, Khu BTTN Sông Thanh vẫn chưa cắm mốc được ranh giới bảo tồn và ranh giới các phân khu chức năng trên thực địa. Vì vậy, việc bảo vệ cụ thể các phân khu rất khó và chưa tìm được “tiếng nói chung” trong khâu giữ rừng giữa Ban quản lý Khu BTTN Sông Thanh và chính quyền các huyện Phước Sơn, Nam Giang. Bên cạnh đó, với hơn 70km đường Hồ Chí Minh chạy theo chiều dài của khu bảo tồn và xuyên qua vùng lõi của phần lớn diện tích rừng thuộc xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn) cũng như hơn 50km đường 14D sang nước bạn Lào chạy qua ranh giới khu bảo tồn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép đã và đang đe dọa nghiêm trọng đa dạng sinh học rừng đặc dụng Sông Thanh. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chương trình điều tra cơ bản về danh mục động thực vật, làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn và nghiên cứu khoa học một cách bài bản. Năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác bảo tồn còn hạn chế. Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt, có trách nhiệm bảo tồn rừng đặc dụng nhưng thực tế lực lượng này mới chỉ đảm trách được công tác BVR. Điều đáng lưu ý là đội ngũ làm công tác bảo tồn chưa đáp ứng được khối lượng công việc. Chẳng hạn, Khu BTTN Sông Thanh có diện tích gần 100 nghìn héc ta rừng, theo quy định của Nhà nước, mỗi kiểm lâm bảo vệ 500ha. Tuy nhiên, Ban quản lý Khu BTTN Sông Thanh hiện tại có dưới 30 cán bộ kiểm lâm, trong khi phải cần gần 200 người. Chưa nói đến tình trạng thiếu hụt cán bộ khoa học làm công tác bảo tồn, nghiên cứu.
Rừng đặc dụng trong Khu BTTN Sông Thanh được phân thành vùng lõi và vùng đệm. Vùng đệm có chức năng bảo vệ vùng lõi. Mọi hoạt động ở vùng đệm phải phục vụ cho vùng lõi, song, theo quy định vùng đệm không được giao cho ban quản lý rừng đặc dụng, mà do chính quyền địa phương quản lý. Nếu chính quyền chỉ lo đến lợi ích cục bộ địa phương mà bỏ quên rừng thì rừng sẽ nghèo đi. Ngược lại, nếu ban quản lý rừng đặc dụng thiếu quan tâm hỗ trợ cho vùng đệm thì đương nhiên vùng đệm sẽ mất đi chức năng hỗ trợ cho vùng lõi.
Thời gian qua, nhờ các tổ chức tài trợ quốc tế như WWF – Đông Dương, MOSAIC, BCI, IUCN, VCF và các trường đại học trong nước đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện điều tra, khảo sát lập các dự án đầu tư, nâng cao nhận thức cho người dân và xây dựng mô hình cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên rừng… Đáng chú ý, dự án môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án CEP – BCI tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều động thái tích cực nhằm bảo tồn rừng đặc dụng Sông Thanh. Nhiệm vụ đặt ra của dự án là thỏa thuận với chính quyền các địa phương, cộng đồng dân cư về đường ranh giới giữa khu bảo tồn và ranh giới các thôn trong xã nhằm xây dựng kế hoạch phát triển rừng bền vững, liên kết quản lý tài nguyên rừng, làm cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ về ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu bảo tồn. Tăng cường tuần tra, truy quét tình trạng đào đãi vàng trái phép và tháo dỡ bẫy thú ở các khu vực bảo vệ ưu tiên ở các xã Phước Xuân (Phước Sơn) và Đắc Pring (Nam Giang); triển khai xây dựng quy ước và thành lập các tổ BVR ở xã Phước Công (Phước Sơn). Ngoài ra, sẽ thiết lập và duy trì hệ thống giám sát bằng cách đặt bẫy ảnh để theo dõi và giám sát các loài thú tại xã Phước Mỹ, Phước Công (Phước Sơn)…
TRẦN HỮU
Leave a Reply