Sản xuất lúa theo VietGap: Gắn kết “4 nhà” thôn Cầm Khê
Ông Phạm Đức Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước (Phú Ninh) cho biết, vụ đông xuân 2011 – 2012 địa phương phối hợp với Công ty cổ phần Hưng Trung Việt triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa sạch (theo tiêu chuẩn VietGap). Mô hình lúa chất lượng cao LD1 triển khai tại thôn Phú Xuân với diện tích 10ha, 36 hộ tham gia và lúa chất lượng cao OM4900 tại thôn Cẩm Khê, diện tích 4ha, 20 hộ tham gia. Nông dân tham gia mô hình được công ty đầu tư giống, phân bón… và sản phẩm được công ty thu mua lại.
Ông Phạm Đức Toàn kiểm tra mô hình sản xuất lúa chất lượng cao LD1 tại thôn Phú Xuân. Ảnh: HẢI YẾN |
Ông Lương Công Tiến (thôn Phú Xuân) cho biết, được sự đầu tư của công ty, gia đình sản xuất 3 sào lúa giống chất lượng cao LD1. Đối với sản xuất lúa đại trà, 1ha chi phí khoảng 14 triệu đồng, năng suất khoảng 60 tạ/ha, với giá lúa 5.500 đồng/kg, tổng thu 33 triệu đồng/ha, thu nhập chỉ đạt 19 triệu đồng/ha. Còn sản xuất lúa chất lượng cao, chi phí cao gấp đôi (28 triệu đồng/ha), năng suất thấp hơn (trung bình 50 tạ/ha) nhưng Công ty cổ phần Hưng Trung Việt hợp đồng mua với giá 12.500 đồng/kg, tổng thu đạt 62,5 triệu đồng/ha, thu nhập đạt 34,4 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa thường 15,5 triệu đồng/ha/vụ.
Mô hình sản xuất lúa sạch đang mở ra triển vọng gắn kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trên đồng ruộng. Trong đó, Công ty cổ phần Hưng Trung Việt chịu trách nhiệm trợ giúp nông dân một số khâu sản xuất, đầu tư ứng trước như giống, phân bón… và cam kết thu mua 100% lượng lúa sản xuất ra, bảo đảm có lợi cho nông dân bằng việc thu mua sản phẩm với giá cao hơn so với lúa thường đang bán trên thị trường. Công ty phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cử cán bộ kỹ thuật chỉ đạo quy trình sản xuất, quản lý chất lượng lúa bảo đảm cho năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng tốt.
Mô hình sản xuất lúa “sạch” tại Tam Phước tạo tiền đề cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững. Mô hình giúp bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác.
HẢI YẾN
Leave a Reply