Dai dẳng tình trạng xâm hại rừng xã Phước Hiệp

Nhiều hộ dân xâm canh tại khu vực thuộc thôn 10, xã Phước Hiệp (Phước Sơn) xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm khiến tình trạng này kéo dài.

Tình trạng phát rừng để trồng keo tại thôn 10 xã Phước Hiệp kéo dài từ nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để. Ảnh: V.H
Tình trạng phát rừng để trồng keo tại thôn 10 xã Phước Hiệp kéo dài từ nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để. Ảnh: V.H

Thống kê của UBND xã Phước Hiệp cho thấy, từ năm 2008 đến nay có 38 hộ và cá nhân xâm canh trồng keo, cao su, bời lời tại các tiểu khu giáp ranh với Hiệp Đức như 645, 646, 653… với diện tích hàng trăm héc ta. Trong đó ở Phước Sơn có 23 hộ, huyện Hiệp Đức 14 hộ và 1 hộ ở Thăng Bình. Trong khoảng thời gian này, địa phương phát hiện nhiều trường hợp phát rừng làm nương rẫy với diện tích lớn, vượt thẩm quyền xử lý của xã. Như vào năm 2010, nhận được thông tin từ quần chúng cung cấp, các ban ngành chức năng của xã Phước Hiệp đi kiểm tra hiện trường và phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Hải (trú tại thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) đã phát khoảng 19ha rừng để trồng keo được 2 năm tuổi và đang mở rộng diện tích để trồng cao su và cây bời lời đỏ tại khoảnh 5, thuộc tiểu khu 646. Điều đáng nói là một năm sau đó (năm 2011), lực lượng chức năng đi kiểm tra và phát hiện ông Hải vẫn tiếp tục tái phạm tại diện tích đất rừng trên.

Năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Phước Sơn và chính quyền xã Phước Hiệp đi kiểm tra tại khu vực rừng giáp ranh với huyện Hiệp Đức thì phát hiện một số cây gỗ lớn bị hạ tại các khoảnh 2, 4, 5, 6 thuộc tiểu khu 653. Các khoảnh trên trước đây đã có nhiều hộ vào xâm canh, song việc xử lý chưa triệt để dẫn đến cây keo khai thác xong lại tiếp tục được trồng. Không những vậy mà diện tích phá rừng làm rẫy còn được mở rộng thêm với khoảng 30ha. Ông Trần Ngọc Lan – cán bộ địa chính xã Phước Hiệp thông tin, do khu vực rừng giáp ranh này cách xa khu dân cư nên rất khó để phát hiện vi phạm. Hơn nữa, việc đi lại cách trở, mất hàng giờ đồng hồ mới đến nơi nên mỗi khi có đoàn công tác vào kiểm tra thì các đối tượng đều rời khỏi hiện trường, không lập được biên bản xử lý.

Tại cuộc làm việc của UBND xã Phước Hiệp với 14 hộ dân Hiệp Đức vừa qua, nhiều hộ cho rằng do nhầm tưởng rừng thuộc lâm phận Hiệp Đức nên “lấn tới”. Trước đó, có nhiều hộ vi phạm đã bị xử lý hành chính nhưng sau đó vẫn tiếp tục đem cây keo vào trồng. UBND xã Phước Hiệp và Phòng Tài nguyên – môi trường huyện Phước Sơn nhìn nhận, số hộ vi phạm nhiều với diện tích lớn, có nhiều trường hợp còn chưa xác định được diện tích vi phạm cụ thể. Bởi, nhân lực và kinh phí của địa phương không đáp ứng được việc đo đạc chính xác diện tích đất vi phạm.

Một khoảnh rừng tự nhiên tại Phước Sơn bị người dân phá để làm rẫy. Ảnh: V.H
Một khoảnh rừng tự nhiên tại Phước Sơn bị người dân phá để làm rẫy. Ảnh: V.H

Xã Phước Hiệp có 8.608ha rừng tự nhiên, 2.751ha rừng trồng. Trong những năm gần đây, diện tích rừng trồng tăng nhanh đã góp phần cải thiện kinh tế cho các hộ dân sống gần rừng, ven rừng và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của địa phương này. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng tăng đồng nghĩa việc lấn chiếm rừng, phá rừng trái phép tăng khiến công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trở nên cấp thiết và khó khăn hơn bao giờ hết. Các khu vực rừng tự nhiên tại Phước Hiệp đang trong tình trạng bị sức ép xâm hại của con người do thiếu đất sản xuất. Hơn nữa, việc mở thêm các tuyến đường giao thông phục vụ cho trồng cây cao su đã gián tiếp tạo điều kiện cho người dân xâm hại rừng.

Bà Nguyễn Thị Bích Xinh – Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp thừa nhận việc quản lý lâm phận của địa phương chưa đạt hiệu quả, các cấp xử lý vi phạm trước đây chưa triệt để vì địa bàn rộng, không đủ điều kiện về nhân lực và vật lực. “Mất nửa ngày đường chúng tôi mới đến nơi để kiểm tra, khảo sát, xử lý. Riêng trong năm 2015, chi phí phục vụ cho công tác tuần tra tốn hơn 100 triệu đồng. Thêm điều đáng lo ngại là khu rừng sản xuất trên gần rừng phòng hộ. Chúng tôi đang kiến nghị lên UBND huyện chỉ đạo phối hợp giải quyết triệt để, thu hồi đất, phân loại đối tượng để xử lý” – bà Xinh cho biết.

VĂN HÀO

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>