Hướng đi mới của nghề muối niềm vui cho diêm dân

Muối lại đã đem lại niềm vui cho nhiều diêm dân trên địa bàn tỉnh. Theo ngành chức năng, việc quy hoạch, liên kết mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi mới của , tuy nhiên hiện vẫn còn khó khăn về đất sản xuất và nguồn vốn đầu tư.

alt
Thu hoạch muối tại xã Tam Hòa.

Được mùa, được giá

Những ngày qua, niềm vui được mùa được giá đang đến với diêm dân ở các vựa muối của xã Tam Hòa (Núi Thành). Năm 2012, gia đình ông Võ Đăng Thôi (thôn Bình An, Tam Hòa) đầu tư sản xuất trên 26 sào muối. Mỗi ngày, gia đình ông có thể thu hoạch được 2 tấn muối. Với giá muối vào thời điểm hiện tại dao động từ 1.500 – 1.800 đồng/kg, mỗi ngày gia đình ông thu được 3 triệu đồng. “Sản xuất muối trên bạt có nhiều ưu thế so với sản xuất theo ụn cát truyền thống trước đây. Nhờ kết tinh thuận tiện nên năng suất đem lại rất cao. Hơn nữa, nhờ có hệ thống lọc nước nên muối rất sạch. Với ưu thế là hạt muối to, chắc, độ mặn cao, lại trắng tinh nên chúng tôi bán được giá tương đối cao” – Thôi cho biết.

Hiện thôn Bình An có gần 100 hộ tham gia sản xuất muối. Nhận thấy giá trị kinh tế cao của nghề, từ năm 2009 đến nay, người dân nơi đây đầu tư công nghệ sản xuất . Ông Lê Văn Phú, cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Hòa cho biết: “Người dân địa phương đang phấn khởi, tin tưởng vào hướng phát triển lâu dài của nghề muối. Trung bình mỗi tháng, một gia đình có thể thu hoạch được hơn 20 tấn muối. Do đầu ra đảm bảo, mỗi tháng diêm dân có thể lãi được hơn 10 triệu đồng”.

Ngoài thôn Bình An, nhiều diêm dân thôn Hòa Bình (Tam Hòa) và các xã Tam Hiệp và Tam Hải (Núi Thành) cũng có thu nhập khá từ nghề sản xuất muối. Bà Đoàn Thị Phượng theo nghề sản xuất muối từ hơn 10 năm nay, nói: “Chỉ mới thu hoạch trong hơn 10 ngày nay nhưng gia đình tôi đã thu được 5 tấn muối trên 10 sào sản xuất. Nếu thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định, gia đình có thể mở rộng diện tích sản xuất vào năm sau”. Vui vì được mùa và được giá nhưng nhiều gia đình cũng lo. “Do chi phí thực hiện mô hình làm muối theo công nghệ trải bạt rất cao mà nguồn vốn đầu tư của gia đình hạn hẹp nên chúng tôi rất cần nguồn vốn vay ưu đãi để có thể chuyên tâm mở rộng sản xuất lâu dài” – bà Lâm Thị Yên (thôn Hòa Bình) nói. Bà Lê Thị Nghĩa (thôn Đại Phú, Tam Hiệp) cũng cho biết: “Mấy năm nay, tận dụng các ao, đìa nuôi tôm thiếu hiệu quả, gia đình tôi đã cải tạo để sản xuất muối. Thu nhập đem lại đã giúp gia đình ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đây là vùng đất thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai nên số diện tích này có thể bị thu hồi trong tương lai. Nếu không có đất sản xuất, nghề muối của các hộ dân nơi đây có thể sẽ không còn nữa”.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở NN&PTNT), bước vào vụ muối năm 2012, chi cục đã phối hợp với các địa phương sản xuất muối triển khai nhiều chương trình hỗ trợ diêm dân. Cụ thể, đã giúp đỡ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất muối sạch, hỗ trợ cải tạo nội đồng để nâng cao năng suất sản xuất. “Hiện tại, chúng tôi đã tiến hành công tác rà soát lại quy hoạch vùng sản xuất muối để có thể đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, mở rộng vùng sản xuất. Trên cơ sở phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nước biển, chúng tôi đang ưu tiên tập trung hướng phát triển cho các vùng có khả năng cho năng suất muối cao, sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo như Tam Hòa, Tam Hiệp… Việc khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển bền vững với gắn kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ cũng được ưu tiên” – ông Kiều Văn Ba, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam) nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Ba, ngành chức năng phải chờ cái “gật đầu” của Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai để có thể thực thi được định hướng này.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, tận dụng chương trình nông thôn mới đang được triển khai khẩn trương ở nhiều địa phương, việc tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối để ổn định sản xuất và tiêu thụ muối trong thời gian đến là hết sức cần thiết. Ngoài ra, chi cục cũng đã phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn tỉnh đề xuất với UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ người dân sản xuất muối như ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất muối và giảm thiểu sức lao động cho diêm dân. “Hiện tại, ở nhiều địa phương vẫn đang tồn tại hoạt động của các hợp tác xã. Việc kết nối sản xuất – chế biến – tiêu thụ muối giữa diêm dân và các công ty kinh doanh muối thông qua hợp tác xã có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong sản xuất muối, nhất là vốn đầu tư và đầu ra cho muối sạch. Chúng tôi có thể hỗ trợ để các hợp tác xã vận động diêm dân liên kết sản xuất theo mô hình “kín”. Đây là giải pháp cần thiết để nâng cao sản xuất, ổn định đời sống của diêm dân” – ông Ba cho biết thêm.

NGUYỄN QUANG VIỆT

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>