Khám phá Làng và nhà làng Cơ Tu
Sự kiện huyện Tây Giang cắm thêm 39 bảng tên làng tại các xã vùng cao như xã Dang, Tr’hy, A Xan, Ch’ơm, Ga ry… từ mấy năm qua đã tạo cho tất cả 70 làng trong toàn huyện đều có tên viết bằng cả ba thứ tiếng (Anh, Việt và tiếng Cơ Tu).
Giữ lại vốn văn hóa đặc thù của dân tộc mình, để những đứa trẻ lớn lên biết rõ nguồn cội, không mất gốc trước các làn sóng văn hóa xô bồ của thời đại là công việc không hề dễ dàng. Lại càng trở nên khó khăn hơn đối với các dân tộc thiểu số sống dọc Trường Sơn khi mà giao thông mỗi ngày một trở nên thuận tiện và các tour du lịch đang mở ra ngày một dày đặc…
Gươl Cơ Tu. |
Chuyện tên làng
Sự kiện huyện Tây Giang cắm thêm 39 bảng tên làng tại các xã vùng cao như xã Dang, Tr’hy, A Xan, Ch’ơm, Ga ry… từ mấy năm qua đã tạo cho tất cả 70 làng trong toàn huyện đều có tên viết bằng cả ba thứ tiếng (Anh, Việt và tiếng Cơ Tu). Tên các làng được viết trên nền các hình vẽ cách điệu gươl truyền thống… khiến cho “điểm đến” Tây Giang cũng như những ngôi làng heo hút, thường bị cô lập, được nhiều du khách biết đến cùng với “danh sâm” ba kích nổi tiếng. Cách đó không xa, hai gươl nổi tiếng của làng Gừng và Bhơ Hôồng ở Đông Giang cùng với tài năng các già làng – nghệ nhân A Tùng Vẽ, Briu Brăm cũng làm cho tên các ngôi làng ấy đọng lại cho bất cứ ai đến thăm…
Làng dân tộc thiểu số đang cố gắng phục hồi tên các làng cũ. Trong khi một nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia khoa học Pháp về làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ lại cho biết việc thay đổi địa danh làng xã từ sau 1945 đến nay tăng lên đột biến nếu so với thời phong kiến. Mặc dù trước đó, từ thế kỷ 17, 19 các nhà nghiên cứu như Phạm Đình Hổ và Lê Quý Đôn đã “than phiền” về tình trạng thay đổi này. Thời phong kiến, tên làng có khi thay đổi do phạm húy, như làng Hoa Thử đổi thành Phong Thử, làng Kim Sa đổi thành Cẩm Sa, làng Kim Quất đổi thành Thanh Quýt… Trong một thời gian dài, nhiều làng khi ghép thành một xã mới đã biến thành thôn và đổi tên thành thôn 1, 2,3…! May thay, gần đây đã được chỉnh sửa lại.
Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, tên làng là một thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa. Việc xóa bỏ, thay đổi vội vàng tên các làng cũ và thay vào đó là những con số (như thôn 1, 2, 3… chẳng hạn) sẽ làm nhạt phai lịch sử hoặc cắt đứt mối ràng buộc giữa các thế hệ cư dân tương lai và quá khứ; đồng thời làm cho những nỗ lực giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương khó khăn hơn. Nhà báo Friedman (tác giả Thế giới phẳng – Chiếc Lexus và cây ô liu) nhìn các vấn đề mang tính bản sắc văn hóa đặc thù địa phương đó như những “cây ô liu” cần được gìn giữ trong thời đại toàn cầu hóa đang xuất hiện. Theo xu hướng đó, những đặc sản ba kích, những điệu nhảy tâng tung da dá, tiếng sáo Đinh tút, nhịp điệu của những bài hát lý đặc trưng của người Cơ Tu Tây Giang…, sẽ là những vốn quý ẩn sau những tên làng mộc mạc, trong những mái gươl thô ráp của vùng cao, sẽ làm cho người Tây Giang, Đông Giang, đặc biệt là giới trẻ sẽ hãnh diện, tự hào với thế giới về quê hương mình.
Ở đồng bằng cũng vậy, sự thay đổi địa danh, địa vực do dân số tăng lên và yêu cầu quản lý là không tránh khỏi. Nhưng thay đổi một địa danh cần được nghiên cứu cẩn thận. Các làng Thanh Khê, Phú Lộc và Xuân Đán (Đà Nẵng) ghép lại đã sử dụng tên chung là Thanh-Lộc-Đán. Làng Bến Đền tách thành 2 thôn lại là Bến Đền Tây, Bến Đền Đông và nhiều ví dụ khác, cho thấy đó là chọn lựa đúng. Học giả Hoàng Xuân Hãn nhấn mạnh, nên giữ lại một từ tố của tên cũ khi đặt tên mới.
Ta yêu nước, yêu quê hương trước hết là yêu cái làng (với giếng nước, cây đa, mái đình, nhà thờ tộc họ…) mà mình đã gắn bó từ lúc sinh ra và lớn lên, là vì vậy! Nó gắn liền với tên của làng cũ bao đời.
Những khoảng trống
Tôi nhớ hồi già làng A Tùng Vẽ và Briu Prăm còn sống – họ được đồng bào Cơ Tu coi là một cuốn tự điển sống, một gia tài quý giá. Lúc gần 80 tuổi A Tùng Vẽ vẫn lặn lội khắp nơi để sưu tầm, phục chế các nhạc cụ và những làn điệu dân ca dân tộc. A Tùng Vẽ đi bộ đến các bản làng xa, thậm chí qua tận vùng giáp biên với huyện Nam Đông – A Lưới (Thừa Thiên Huế), ở lại với các bản làng nhiều ngày để tìm những giá trị đã mai một và mang về dạy lại cho hàng trăm bạn trẻ ở địa phương. Già luôn có mặt tại bất cứ sinh hoạt văn hóa, các lớp hướng dẫn sử dụng nhạc cụ hoặc các buổi tiếp du khách đến thăm gươl của làng Gừng và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ, những điệu hát tâng tung da dá, những bài hát lý… cho du khách. “Trong chiến tranh mình tham gia bộ đội chiến đấu giữ làng giữ nước, còn bây giờ mình lo gìn giữ những giá trị văn hóa của người Cơ Tu, chứ có gì to tát đâu!” – Ông trả lời câu hỏi của tôi về mục đích của những hoạt động không mệt mỏi của mình chỉ bằng câu nói giản dị ấy.
Già làng Briu Prăm nguyên là Bí thư Huyện ủy huyện Hiên (nay là Đông Giang) và là một đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất (1976-1981). Briu Prăm sau khi nghỉ hưu về sống giản dị cùng dân làng tại thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn. Ông kiên trì vận động hơn 60 hộ dân trong thôn thực hiện nếp sống văn hóa, sản xuất lúa nước, xây dựng lại guơl làm nơi sinh hoạt cộng đồng, khôi phục các ngành nghề truyền thống và dạy cho lớp trẻ trong làng sử dụng các loại nhạc cụ, hát các điệu hát dân tộc Cơ Tu. Nhờ đó, từ năm 2008, làng Bhơ Hôồng 1 được chọn làm điểm du lịch miền núi Quảng Nam trong chương trình Hành trình di sản…
Người Cơ Tu sống quây quần thành từng làng nhỏ, nhà cửa dựng thành vòng tròn hoặc hình bầu dục, chung quanh gươl là nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu giữa thanh niên trong làng hoặc tiếp khách đến thăm. Gươl được xây dựng bằng vật liệu tại chỗ như gỗ, tre, lá nón, lá tranh… Tầng dưới gươl bỏ trống, có thang gỗ lên tầng trên cao cách mặt đất khoảng 2 mét. Gươl được trang hoàng khá đẹp với những đầu thú dân làng săn bắt được, các tượng gỗ biểu trưng các vị thần, các cột được trang trí bằng những nét hoa văn, hình vẽ chân phương và màu sắc tự nhiên… Toàn bộ kinh phí và công sức xây dựng nhà làng đều do dân làng đóng góp trực tiếp. Gần đây có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhưng cây gỗ vẫn do dân làng tự vào rừng chọn lựa, cùng nhau góp công xây dựng. Tôi nhớ cụ A Tùng Vẽ từng nói: “Đối với người Cơ Tu, mọi thứ chung quanh đều có hồn (rơvai). Có những rơvai hiền, rơvai dữ, có những rơvai tốt, rơvai xấu… Người Cơ Tu mình cũng tin có thần (Abhuyh). Có hai vị thần lúc nào cũng hiện diện với dân làng là thần Mặt trời (Abhuyh-plêếng) và thần Đất (Abhuyh-catiếc). Sống, chết, đói nghèo, no đủ, thịnh vượng, bệnh tật… đều do Trời và Đất tạo ra. Do vậy, già làng dù có cực khổ đến mấy cũng tuân theo trời đất mách bảo mà cho dân làng sống no đủ, hạnh phúc và giữ gìn những vốn liếng của ông cha để lại…”.
Gươl và những già làng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người Cơ Tu. Họ gìn giữ, truyền dạy những giá trị truyền thống cho các thế hệ con cháu và giới thiệu những giá trị đặc trưng của mỗi làng, của văn hóa dân tộc họ với thế giới bên ngoài. Vì vậy, sự ra đi của những già làng tuổi cao gần đây ở nhiều làng Cơ Tu đang để lại những khoảng trống đáng lo ngại…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Leave a Reply