Cù Huy Hà Vũ : “Trái đôi” Xuân Diệu, Huy Cận với Tự lực văn đoàn (phần 2)

Vốn vô cùng mê say Với bàn tay ấy, chỉ có thể mừng rỡ được gặp thi nhân cùng quê Hà Tĩnh hơn mình hai lớp trong buổi tựu trường của Lycée Khải Định (Quốc học cũ) tháng 9-1936. Ngay lập tức hai hồn thơ gắn với nhau như định mệnh để rồi có những dự định riêng mãi mãi. Một trong những dự định ấy là xuất bản các tác phẩm của hai người bằng tiền túi của mình. “Huy Xuân” như một nhà xuất bản đã ra đời như thế vào cuối năm 1939 ngay sau khi vào học Cao đẳng Canh nông với nguồn tài chính là nhuận bút viết báo của Xuân và học bổng hạn hẹp của Huy. Và sản phẩm đầu tiên của cái “Nhà” ấy lại là Thơ thơ. Lần tái bản này, quả thực không còn dòng chữ “” nữa.

  và con nuôi (24 Điện Biên Phủ – Hà Nội 1979)

Chúng ta đã biết rằng Đời Nay có thể nói là độc quyền xuất bản các tác phẩm của thành viên Tự lực. Vì vậy trước khi thực hiện dự định của mình, đôi bạn Huy – Xuân đã rủ nhau đến gặp Ban trị sự Đời Nay để có được sự thông cảm thì được nhũn nhặn trả lời rằng việc các ông tái bản Thơ thơ ở nơi khác dĩ nhiên là quyền của các ông nhưng trong trường hợp đó đừng để Tự lực văn đoàn vào sách vì lý lẽ đã rõ. Vậy là vẹn cả đôi bề. Cũng phải nói ngay rằng Thơ thơ là ấn phẩm duy nhất của “Huy Xuân” vì hai dự định khác là xuất bản Tây sương ký do Nhượng Tống dịch (đã trả nhuận bút) và tái bản Phấn thông vàng đã không thành, đơn giản là vì ngay sau Tết 1940, Xuân Diệu đã rời Hà Nội vào Mỹ Tho làm Tham tá nhà Đoan (douanne – tiếng Pháp –  là quan thuế). Điều đáng nói ở đây là thái độ “làm ngơ” đầy thông cảm của các thành viên còn lại trong nhóm bởi họ quá yêu Xuân Diệu cùng bạn chàng, Huy Cận. Điều đáng chú ý là các thủ lĩnh của Tự lực văn đoàn rất có cảm tình với Huy Cận, trước hết là do tài thơ của ông, vì khi đăng Chiều xưa, thi phẩm đầu tiên của Huy Cận trên Ngày Nay cùng một khung với bài Cảm xúc của Xuân Diệu trong số Tết năm 1938, họ vẫn chưa biết Xuân Diệu và Huy Cận đã là một đôi bạn tri kỷ. Thực vậy, nhận được bài thơ của Huy Cận gửi từ Huế ra, Xuân Diệu lại không làm cái việc “lăng-xê” bạn mình như người đời thường làm bằng cách cầm bài thơ ấy đến gặp Nhất Linh hay Thế Lữ là người phụ trách mục thơ của báo mà lại gửi bằng bưu điện đến.

Vậy là, chỉ sau khi Huy Cận đã được “làng” Tự lực “duyệt” với bài Chiều xưa rồi, nhân đầu năm mới Xuân Diệu mới đưa “người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh” lần đầu tiên ra đất ngàn năm văn vật và cũng là lần đầu thăm đất Bắc, đến 80 Quan Thánh để chào các thành viên của cái Văn đoàn “khét tiếng” đấu tranh cho một nền văn chương mới và nhân bản ấy. Đến chào theo đúng nghĩa đen của từ này vì Huy Cận không mang theo bài thơ mới nào hết. Và Huy Cận đã may mắn gặp được tất cả, đặc biệt Nhất Linh và Thế Lữ mà ông đã từng đọc và học rất nhiều. Ngay khi mới gặp chàng Huy, Nhất Linh (tên thật là Nguyễn Tường Tam) hạ ngay: “Bài Chiều xưa của anh hay lắm, rất cổ mà lại rất mới”. Và như để chứng minh cái tâm đắc của mình, Nhất Linh đọc một hơi bài thơ ấy trước sự ngỡ ngàng của tác giả rồi nói rằng Huy Cận cứ gửi thơ ra là Ngày Nay sẽ đăng. Rõ là một cú “đúp” thành công của thi nhân họ Cù: không những ông được vị thủ lĩnh tao đàn hoan nghênh nhiệt liệt mà thơ của mình từ đây không sợ không có “đầu ra”. Không nghi ngờ gì nữa, thái độ nể phục ấy của vị chánh chủ khảo Giải thưởng Tự lực văn đoàn có giá trị như vòng nguyệt quế đầu tiên mà Huy Cận nhận được trong đời thơ của mình. Sau này, khi ở Sài Gòn, Nhất Linh còn khẳng định rằng về lục bát, “Huy Cận là hậu duệ của Nguyễn Du! ”. Khái Hưng, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Nguyễn Gia Trí cũng chỉ có thể chia sẻ quan điểm của văn nhân họ Nguyễn. Đặc biệt Khái Hưng, cũng như Nhất Linh, rất đề cao thơ Huy Cận. Ông còn nói với Nguyễn Hữu Đang lúc đó hoạt động trong Hội Truyền bá Quốc ngữ : “Huy Cận hay từng bài, từng câu, từng chữ ”. Thế Lữ thì lại trách Xuân Diệu sao không đưa bài thơ ấy trực tiếp cho ông mà lại vòng vèo thế. “ Là vì – Xuân Diệu đáp – tôi muốn xem giá trị thật của bài thơ thế nào chứ tự tôi đưa đến e mất khách quan”. Ngẫm lại, quả thi nhân họ Ngô ngay từ còn măng tơ đã là một bậc thầy trong đối nhân xử thế trên căn bản biết mình, biết bạn và biết người. Là kẻ “tri âm”, Xuân Diệu muốn bạn mình “hữu xạ tự nhiên hương”, hay mượn cách nói thời thượng, muốn Tự lực “tâm phục khẩu phục”.

Kỳ vọng của Xuân Diệu nơi Huy Cận đã được đền đáp: Lửa thiêng đã được Đời Nay cho ra mắt bạn đọc vào năm 1940 với 3.000 bản, một số lượng vào loại kỷ lục thời đó. Hơn thế nữa, Tự lực văn đoàn  quyết định kết nạp thi sĩ họ Cù và lịch sử văn chương Việt Nam lẽ ra biết tới thành viên thứ chín của Tao đàn ấy nếu không có những biến cố chính trị xảy ra gắn liền với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Sự nuối tiếc của Huy Cận vì đã không kịp trở thành thành viên chính thức của Tự lực văn đoàn không phải đợi đến hôm nay mới được ông thổ lộ với tôi mà đã bộc lộ từ lâu ở ngay dòng chú thích “T.L.V.Đ” do tay ông viết bên cạnh tên mình trong tờ quảng cáo Nhà xuất bản Đời Nay in năm 1941; trong đó, ngoài các thành viên của nhóm và Huy Cận ra còn có Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Nguyễn Khắc Mẫn, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang, Anh Thơ (đúng ra là cô Anh Thơ), Mạnh Phú Tư cùng ảnh chân dung của họ. Cái “tình cảm gia đình” của Tự lực dành cho chàng thi sĩ quán sông La ấy có thể cảm nhận được rất rõ trong thư của Khái Hưng gửi Xuân Diệu ngay sau khi thi sĩ khăn gói vào Mỹ Tho: “Anh đi Nam, chúng tôi thấy thiếu anh quá. Nói thực đấy, không khách sáo đâu. Nhất những hôm hội họp ở nhà anh Tam (Nhất Linh – CHHV) ai ai cũng bảo: “Thiếu có Xuân Diệu”. Nhưng có người tiếp luôn: “Đã có Huy Cận ăn hộ cả hai người”. “Huy Cận, ai cũng coi như một nửa của linh hồn anh !”. Rồi chính tác giả của Tiêu Sơn tráng sĩ đã cùng với Nhất Linh, Thạch Lam và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dẫn Huy Cận đi thăm chùa Tây Phương và chùa Thầy nhằm khẳng định lòng tự hào dân tộc vốn là động lực của Tự lực văn đoàn trong cuộc đấu tranh chống lại chính sách nô lệ của Pháp. Mặt khác cũng rất có thể khi tổ chức những cuộc du ngoạn đó các thành viên của Văn đoàn muốn thấy một Huy Cận Đường thi chuyển hứng mạnh hơn nữa sang văn hóa của cha ông. Bản thân bố tôi cũng thừa nhận rằng tứ của bài Các vị la hán chùa Tây Phương của ông đã manh nha từ dạo ấy. Để nói trong thực tế, Huy Cận đã thuộc về Tự lực văn đoàn và cho đến tận hôm nay bố tôi vẫn dùng những lời âu yếm nhất để nói về thực tại đó. Tình thân thiết đã như chân tay thì chỉ còn gượng cười khỏa lấp cái sầu ly biệt. “Bát tiên quá… chén” là cái cười gượng ấy của các thành viên Tự lực trong giờ phút chia tay với Xuân Diệu vừa được bổ làm Tham tá nhà Đoan tại Mỹ Tho. Trong tay tôi là một tờ giấy dó lụa với hoa văn dập nổi màu ngà rất sang (mà tôi đồ rất sẵn tại Nhà xuất bản Đời Nay vốn tọa lạc cùng trụ sở Tự lực văn đoàn tại 80 Quan Thánh) mang bài thơ được hình thành do Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng, Xuân Diệu (theo thứ tự chữ ký) mỗi người góp một câu:

Bát tiên quá…chén
Bỗng dưng thi sĩ hóa tây Đoan
Nửa mặt nhà văn, nửa mặt quan
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ
Nỗi niềm cách biệt ý khôn toan
Hôm nay nhớ bữa chia bùi ngọt
Lát nữa còn vui cảnh tóp chan
Ví thử anh em đều xuất cả
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn…
                                        Hanoi 2-2-1940

Và đâu chỉ có Huy Cận không thể quên một thời “chia bùi ngọt” với Tự lực văn đoàn. Qua ông, bản thân tôi cũng tiếc nuối cái bầu không khí văn chương lãng mạn và gia đình ấy trong đó tập thể tồn tại cùng riêng tư, trong đó đố kỵ, “bằng mặt mà chẳng bằng lòng” phải khiếp đảm trước triết lý “ mình vì mọi người, mọi người vì mình” trong cuộc đấu tranh đầy cam go vì một nền “văn học quốc ngữ”. “Gái có công, chồng không phụ”, công lao gây dựng nền văn học đậm đà bản sắc dân tộc ấy chẳng những được bạn đọc và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận mà còn được các nhà cách mạng Việt Nam đánh giá rất cao. “Tự lực văn đoàn – cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định với Huy Cận –  rất có công với văn học Việt Nam thông qua đổi mới cách viết văn nói riêng và đổi mới nền văn học nước nhà nói chung”. Vẫn theo Huy Cận, các nhà cách mạng khác như Trường – Chinh, Võ Nguyên Giáp… đều có cùng một nhận định. Mặt khác, tính đến ảnh hưởng sâu rộng cũng như tổ chức chặt chẽ của nó (có tôn chỉ, nguồn tài chính riêng, cấp giấy chứng nhận thành viên, lập giải thưởng, có cơ quan ngôn luận và thậm chí cơ quan xuất bản), tôi cho rằng Tự Lực Văn Đoàn xứng đáng được nhìn nhận như “Hội nhà văn” đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

(Còn nữa)

Cù Huy Hà Vũ

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>