Lên Kẽm ngắm… sông nơi thượng nguồn
Lên Hòn Kẽm Đá Dừng có thể theo hai đường: từ ngã ba Hương An theo tỉnh lộ 611 men triền núi, vượt đèo Đá Trắng (đường bộ) hoặc theo đường sông. Tôi chọn đò ngược sông quê theo dòng Thu Bồn, lên Kẽm để… ngắm sông nơi thượng nguồn.
CON đò đưa đoàn văn nghệ sĩ Quảng Nam – Đà Nẵng đi thực tế sáng tác chầm chậm lướt qua rặng tre, khóm dừa và những vạt bắp non nép mình trong nắng rờ rỡ nơi bãi biền ven sông… Dòng Thu càng về phía thượng nguồn càng xanh thẳm. Những quả đồi tím ngắt dưới ánh chiều, hòa vào màu tím than của đá, nhấp nhô lởm chởm bên triền sông vắng, đủ hình thù kỳ dị. Chiều, dọc các cánh rừng, từng đàn cò trắng rủ nhau bay về khiến không gian thêm phần thơ mộng. Xóm làng ven sông tịch liêu, thấp thoáng đâu đó làn khói tỏa ra từ những căn nhà nhỏ liêu xiêu…
Từ Đại Bình lên tới Kẽm, có ít nhất 10 khúc rẽ ngặt, là thử thách muôn đời của thuyền bè qua lại. Thỉnh thoảng, vài đụn cát trắng tinh khôi nhô lên không ngờ từ nơi tưởng chừng chỉ có núi liền sông ấy. Đó là kết quả của những đợt lở, bồi dâu bể. Trên đoạn sông này, người xưa đặt tên khá ấn tượng cho những bãi bồi, có tên Sơn Lợi, Tí, Sé, Trà Linh… Khúc sông trên thượng nguồn ấy còn tồn tại loài vật họ rùa, dân gian quen gọi là trảnh. Đặc biệt, chỉ phát hiện loài vật này ở thượng nguồn Thu Bồn. Trảnh nổi lên mặt nước vào mùa nắng. Khi mặt nước sủi tăm, là dấu hiệu có trảnh. Nay, cá thể trảnh ít dần hoặc chỉ còn là “huyền thoại” do bị khai thác cạn kiệt.
Rồi Kẽm cũng hiện trước mắt. Lạc vào “trận địa” Hòn Kẽm là chìm đắm trong vẻ hùng vĩ, nguyên sơ của thiên nhiên. Nơi ấy, chỉ có sông nước, mây trời và vách núi dựng đứng. Đò neo bãi Trà Linh, nơi có miếu bà Trà Linh, mà theo dân làng bà vốn là chị em với bà Thu Bồn. Miếu bà trước kia khá đồ sộ nhưng bị chiến tranh tàn phá, dân làng bèn góp sức phục dựng lại ngôi miếu nhỏ để thờ “vị nữ anh linh” vùng sông nước. Theo dân địa phương, Đá Ngang, Đá Mài, Đá Bàn, Dùi, Chiêng, Tí, Sé, Cà Tang… vốn là tên địa danh do người Chăm đặt. Vùng núi hùng vĩ này còn tồn tại một tảng đá ghi ký tự Chăm nằm dưới chân Kẽm, chỉ nhìn thấy khi mùa nước cạn. Mãi tới nay, điều bí ẩn còn lưu giữ đằng sau những cổ tự này…
Giữa mênh mông rừng núi, trên đỉnh Bàn Cờ có một không gian nhỏ, bên trong có bộ bàn cờ lẫn ghế đá. Không ai có thể đưa ra câu trả lời trước nghi vấn do tự nhiên sắp đặt hay là chứng tích của ẩn sĩ nương náu một thời? Loài chim trĩ thường xuất hiện, chúng nhảy múa, thay phiên “quét dọn” khu vực này bằng những chiếc đuôi dài sặc sỡ. Không biết thực hư thế nào nhưng có quá nhiều tranh cãi về đỉnh núi Cà Tang hay Gà Tang? Tương truyền, núi trước kia bị người phương bắc yểm bùa. Có con rết (tít) khổng lồ quấy nhiễu, rồi con gà trắng xuất hiện, mổ chết con rết. Và đây là xứ sở của vùng dâu khổng lồ nên người xưa lý giải tên Gà Tang với nghĩa “con gà trắng trong vườn dâu” chăng? Còn nghĩa khác, Cà Tang vốn là tên gọi của đồng bào Cơ Tu, chỉ cây dâu. Mỗi sáng, đỉnh Cà Tang mang dáng dấp thiếu nữ thướt tha, cài mây trắng. Cụ Nguyễn Ngọc Tuệ, một già làng thôn Hiệp Hòa, xứ Trà Linh còn kể về truyền thuyết Thu Bồn khá lý thú, chưa được ai kiểm chứng: Ngày xưa, vùng này không có sông nhưng trên núi xuất hiện một cái bồn chứa nước trời khổng lồ. Ngày nọ, đất nứt, nước làm vỡ bồn, cứ chảy mãi xuống xuôi hình thành dải sông ngày nay. Bồn nước bị lở vào tháng 8, nên sông được đặt tên là Thu Bồn…
Gió giữa núi sông trầm mặc. Đêm lửa trại, sinh hoạt văn nghệ của đoàn văn nghệ sĩ với người dân xứ Trà Linh diễn ra ấm cúng. Những ca khúc trữ tình vang lên da diết. Ai đó hát “Hoa ven sông Thu Bồn” của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa rạo rực đắm say, thổn thức.
BÍCH LIÊN
Leave a Reply