Người phụ nữ trở về sau 22 năm bị bán sang Trung Quốc

Trong lần ngoài Huế (Thừa Thiên – Huế), 22 năm về trước, bà đột nhiên mất tích, mọi nỗ lực tìm kiếm của gia đình ngỡ rơi vào tuyệt vọng. Rồi bà trở về, cùng chồng, người Trung Quốc. Một cuộc đoàn viên đầy nước mắt…
Cái tên Phạm Thị Bậu (SN 1966) lâu rồi người dân xóm Vạn Ghe, tổ 12, khối (, Hiệp Đức) không còn nhớ đến bởi đinh ninh rằng, người phụ nữ này đã về một thế giới khác.

Chuyến đi buôn định mệnh…

Từ hôm 14.4 vừa qua đến nay, tên bà Bậu “nóng” khắp làng trên xóm dưới, kể cả lớp trẻ còn chưa từng biết mặt. Họ vui, vì được chào đón sự trở về của một người con quê hương từng thất lạc.

Chị Phạm Thị Bậu cùng mẹ và người chồng Trung Quốc. Ảnh: VĂN HÀO
Chị Phạm Thị Bậu cùng mẹ và người chồng Trung Quốc. Ảnh: VĂN HÀO

Trong căn nhà sát bên dòng sông Thu Bồn thuộc xóm Vạn Ghe, bà Bậu và người mẹ già đã 86 tuổi không ngớt tỉ tê, chuyện trò. Dường như với họ, khoảng thời gian 22 năm xa cách, mọi chuyện không thể diễn đạt hết bằng lời. Trước khi mất tích, bà Bậu từng có chồng và 2 đứa con nhỏ.

Bà Bậu dáng người dong dỏng, mở chuyện với chúng tôi bằng những mảng ký ức đã ăn sâu vào tâm khảm. Bà nhớ mồn một cái buổi đi buôn định mệnh, ấy là vào ngày 15.4.1994 (âm lịch).

Bà kể, hồi đó làm nghề đi buôn mít, chuối. Theo xe hàng từ Hiệp Đức ra Huế để bỏ trái cây cho bạn buôn, đến khi về tới đèo Hải Vân thì xe bị nổ lốp nên phải xuống ngồi chờ. “Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, đang ngồi uống nước thì có một chị tuổi trung niên ở đâu tới vỗ vai tôi. Sau đó tôi không còn hay biết gì nữa…” – bà Bậu nhớ như in.

Chị Bậu với tấm thẻ chứng minh được cấp ở Trung Quốc. Ảnh: VĂN HÀO
Chị Bậu với tấm thẻ chứng minh được cấp ở Trung Quốc. Ảnh: VĂN HÀO

Một ngày sau, tỉnh lại mới biết bà đang ở trong một nhà trọ tận Trung Quốc. Chủ trọ cũng là phụ nữ Việt nói giọng Bắc, có chồng người Trung Quốc, bảo rằng bà bị bán sang đây, muốn về phải bỏ ra 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu đồng hiện nay). Không có tiền, thân cô thế cô giữa xứ người, không ít lần bà khóc lóc van xin nhưng đôi vợ chồng chủ trọ không đếm xỉa đến. “Nhà trọ này thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Họ bảo ở đó cho đến khi nào có người tới hỏi mua” – bà Bậu kể, mắt ngân ngấn.

Một tuần sau đó, bà được một người đàn ông Trung Quốc kém mình 6 tuổi bỏ ra 2.000 nhân dân tệ để mua về làm vợ. Thâm tâm bà Bậu đã nghĩ đến những điều tồi tệ nhất, nhưng cũng đành “nhắm mắt đưa chân” vì bà không có sự chọn lựa, vào thời điểm ấy.

Làm vợ xứ người

Bà Bậu cho biết, khi được người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ, bên nhà chồng có làm một bữa tiệc gọi là lễ cưới. Đây là vùng thuộc thành phố Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên cách xa trung tâm thành phố và cuộc sống còn rất khó khăn, quanh năm sống bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi, trồng rau. Chồng của bà, tên Li Xiu, do nhà nghèo không có tiền cưới vợ nên phải đi mua vợ với giá rẻ, lớn tuổi hơn.

Hai vợ chồng Việt - Trung về thăm quê hương Hiệp Đức. Ảnh: VĂN HÀO
Hai vợ chồng Việt – Trung về thăm quê hương Hiệp Đức. Ảnh: VĂN HÀO

Bà Bậu kể, chính vì nơi ở nghèo khổ nên bà phải quần quật suốt ngoài ruộng đồng mới đủ ăn. Nhưng, bà may mắn hơn những người phụ nữ Việt Nam khác sang đây, là được chồng thương yêu, chiều chuộng và chưa bao giờ bị chồng hành hạ. Bà nói rằng, xóm nơi bà ở, duy nhất bà là phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên trong những lúc đi chợ hay lên thành phố, bà cũng gặp một số phụ nữ Việt bị bắt cóc bán qua Trung Quốc làm vợ. Gặp nhau nhiều người tâm sự, rất khổ sở vì bị chồng bạo hành, kinh tế quá khó khăn.

Gia đình nhà chồng bà Bậu có 3 anh em trai, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chồng bà là con út. Cưới nhau không lâu sau đó, bà sinh được hai người con trai. Sau nhiều năm chung sống, đến nay kinh tế gia đình mới dần ổn định, con cái đã trưởng thành.

Năm tháng đằng đẵng định cư nơi xứ người, nỗi nhớ quê hương, gia đình luôn âm ĩ trong bà. Tuy nhiên vì những bộn bề, điều kiện nên chưa sắp xếp  được để về lại quê hương. Hiện bà đã nhập tịch Trung Quốc với tên Li Xiu (giống tên chồng), vì để thuận lợi trong công việc, cuộc sống. Bà kể, qua Trung Quốc được gần nửa năm thì nói được tiếng nước họ. Vì vậy việc giao tiếp, sinh hoạt không quá khó khăn.

Sau khi làm đầy đủ giấy tờ, thủ tục, bà muốn một mình về thăm quê, báo tin cho người thân nhưng người chồng đòi về cùng vì sợ vợ về ở luôn lại Việt Nam. Thế là hai vợ chồng gói ghém, dắt díu đi tàu hỏa từ Trung Quốc về Hà Nội, rồi tiếp tục đi tàu về Đà Nẵng trước khi đón xe buýt về tới Hiệp Đức vào ngày 14.4 vừa qua.

“Chị Bậu mất tích cách 22 năm, gia đình đã cất công tìm kiếm nhưng không có thông tin gì. Hôm chị Bậu về địa phương, rất đông người dân đến nhà chia vui. Tôi cũng đến nhà và vui mừng khi biết Bậu có được một tổ ấm tử tế bên nước họ”.

(Ông Nguyễn Văn Cảnh – Khối phố trưởng Khối phố An Nam, thị trấn Tân An, Hiệp Đức)

Chồng bà Bậu không nói được tiếng Việt. Tuy nhiên khi tiếp xúc với chúng tôi, người đàn ông này vui vẻ nói chuyện thông qua vợ mình làm thông dịch viên. “Tôi làm nghề xe ôm. Bên đó (Trung Quốc) nếu mồ côi, nhà nghèo thì rất khó lấy được vợ. Cưới được vợ Việt, tốt lắm. Hai vợ chồng trước giờ lo làm ăn, nuôi nấng con cái…” – bà Bậu dịch lại lời của người chồng. Theo bà Bậu, chồng bà rất hiền lành, chịu khó lo gia đình; nhiều lần muốn về thăm quê vợ nhưng không có điều kiện.

Bà Bậu cho biết, chỉ về thăm quê hương được 3 tháng rồi qua lại Trung Quốc tiếp tục cuộc sống vì bên đó bà cũng có một gia đình. “Hơn 20 năm, mọi thứ thay đổi quá nhiều. Về quê lần này, vui có, buồn có. Chắc chắc sau này, hai vợ chồng tôi sẽ về thăm quê nhiều hơn” – bà Bậu nói.

(Còn nữa…)

VĂN HÀO – PHAN VINH – HÀ AN

Cùng Danh Mục:

Chặng đường giữ lại nghề bánh tổ
Thăm bệnh, người đàn ông bị nước lũ siết cuốn mất tích
Đem quan tài phản đối việc bồi thường đền bù đất ở thôn Trà Lang

Nội Dung Khác

, , , ,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>