Cù Huy Hà Vũ : “Trái đôi” Xuân Diệu, Huy Cận với Tự lực văn đoàn (phần cuối)

Lùi để tiến, hay như nói: “Hy sinh một tiểu đội nhưng để thắng một trận đánh”, bác tôi đành để cơ quan xuất bản có thể nói là “giáo điều” lược bỏ những đề tặng Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo khi làm Tuyển tập thơ của ông, miễn sao thiên hạ biết vẫn ra sách đều, vẫn tiếp tục hiện diện một cách tích cực trong cuộc đời.

 Từ trái qua : Xuân Diệu, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng thời .

Tuy nhiên nếu cho rằng những lược bỏ đề tặng đã nói trên đơn thuần là “chiến thuật”, là việc làm miễn cưỡng của Xuân Diệu thì cũng không hẳn. Còn nhớ, cả Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đều tham gia Việt Nam Quốc dân đảng và vì vậy về mặt chính trị là xung khắc và sau Cách mạng Tháng Tám là xung đột với một Xuân Diệu trong mặt trận Việt Minh.

Trong Lời giới thiệu của Tuyển tập, Hoàng Trung Thông viết: “Người ta thường khen anh (XD) dũng cảm đấu tranh với bọn Quốc dân đảng bằng những bài thơ đả kích”. Quả thật, bên cạnh Ngọn quốc kỳ ca ngợi nền Dân chủ cộng hòa, Xuân Diệu liên tục “ra đòn” đánh lại cái đám “Việt Quốc” (Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Tường Tam), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh của Nguyễn Hải Thần) bằng những “ Tổng bất… đình công”, “Một cuộc biểu tình”, “Vịnh cái cờ”… Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là sự khởi đầu của mạch văn “chính trị – quần chúng hóa” của một Xuân Diệu “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”.

Không những thế, ông còn chống lại các đảng phái ấy bằng cả “nắm đấm” theo đúng nghĩa đen của từ này. Sau này khi được những người hoạt động cùng thời kể lại chuyện Xuân Diệu dừng xe đạp để đánh nhau với một nhóm Việt Quốc, Việt Cách biểu tình chống cách mạng ngay trên đường Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng), Hà Nội trong những ngày Tổng khởi nghĩa thì tôi mới thấm thía chất “cách mạng” nơi “nắm đấm” của ông.  Kết quả là ông bị nhừ đòn và phải thoát thân vì “tương quan lực lượng” quá chênh lệch. “Con ngựa sắt” mà ông phải bỏ lại lúc đó sau này được một người dân trả lại vì trên biển xe có đề “Xuân Diệu”. Cũng may, theo , Xuân Diệu đã thoát được, nếu không chắc sẽ bị chúng bắt đem về thủ tiêu tại một trong những “Hắc điếm” của chúng ở phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), “bót” Hàng Đậu hay phố Joffrin (nay là Lý Nam Đế)…

Vậy đó, Xuân Diệu không chỉ “giáp lá cà” với phản cách mạng mà ông còn “vùng lên” chống lại mọi biểu hiện tiêu cực ở con người dù đó là sự ngu dốt hay lười biếng. “Cách mạng” là thường trực ở nơi ông! Hiểu được như thế thì việc cơ quan xuất bản có lược bỏ đề tặng Nhất Linh – sau này là lãnh tụ Việt Quốc – chắc không thật làm phiền lòng Xuân Diệu. Tuy nhiên, Xuân Diệu không cực đoan : bỏ lời đề tặng Nhất Linh là đủ để bày tỏ chính kiến của mình và ông giữ lại những lời đề tặng Khái Hưng và Hoàng Đạo, điều này được thể hiện trong bản thảo cho Tuyển thơ của ông. Thái độ đúng mực này của Xuân Diệu là nhất quán với quan điểm của ông từ 1958 đối với các tác phẩm trước cách mạng : “Một số tác phẩm đã đạt tới một mức nghệ thuật nào và đã có một khuynh hướng tiến bộ so với hoàn cảnh thời đó, thì vẫn còn lại một giá trị văn học nghệ thuật. Hoàn toàn vứt cả, coi nó là “dưới Zê-rô”, là không có quan điểm lịch sử trong phê bình” (1). Quan điểm ấy cũng được Huy Cận, người đồng chí của ông suốt cả cuộc đời, chia sẻ. Bản thân thi nhân họ Cù cũng tặng Nhất Linh “Áo trắng”, tặng Hoàng Đạo “Giấc ngủ chiều”, tặng Khái Hưng “Buồn đêm mưa” và “Tràng Giang” (bài này đề tặng Trần Khánh Giư, tên thật của Khái Hưng) trong thi phẩm Lửa Thiêng.

Vậy mà trong Tuyển tập Thơ Huy Cận xuất bản 1985, lời đề tặng ba thành viên trên của Tự lực cũng không còn. Tôi có hỏi lại bố tôi về chuyện này thì không chần chừ, ông khẳng định ngay: “Với tư cách là người khởi xướng Tự lực văn đoàn, Nhất Linh rất có công với nền văn học nước nhà. Ông là một đồng nghiệp tốt, thân ái với mọi người. Về mặt chính trị, Nguyễn Tường Tam trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là yêu nước theo hướng dân túy (populiste), giai đoạn thứ hai là chọn nhầm con đường cứu nước qua việc dựa vào Nhật để chống Pháp (như cụ Phan Bội Châu), giai đoạn thứ ba là phản động khi dựa vào Tàu Tưởng để chống lại Việt Minh. Như vậy, Nguyễn Tường Tam là đối lập chính trị với Xuân Diệu và Huy Cận (2). Thật đáng tiếc, con người yêu nước Nhất Linh đã đi nhầm đường để cuối cùng trở thành phản cách mạng”. Rồi bố tôi nói thêm rằng ngay tại Đại hội Tân Trào năm 1944, Lê Đức Thọ đã bàn với ông vận động Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… đi với Việt Minh.

Nhưng những nhân vật trọng yếu ấy của Việt Nam Quốc dân đảng đã “nguây ngẩy” từ chối vì cho rằng Việt Minh là “độc tài” ?! Thậm chí báo Việt Nam do Khái Hưng chủ trương còn “mỉa” rằng nhà thơ Huy Cận ngồi cô đơn ở Bắc Bộ phủ (lúc đó Huy Cận là Bộ trưởng Canh nông) để làm cái gì ?! Suy cho cùng, có thể nôm na thế này, vợ chồng không hợp nhau thì ly dị, miễn những đứa con – tác phẩm phải được nuôi cho đến nơi đến chốn và như đã thấy, Xuân Diệu và Huy Cận đâu bỏ rơi “đứa con tinh thần” nào của mình.

Để kết luận, Huy Cận – người bạn nối khố của Xuân Diệu và đồng nhân chứng của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” – khẳng định với tôi rằng cả Xuân Diệu lẫn ông luôn luôn biết ơn Tự lực văn đoàn vì đã “khai sinh” ra họ trên địa hạt văn chương; văn tài và nhất là cái tâm của Nhất Linh, Khái Hưng cũng như của các thành viên sáng lập đối với sự nghiệp văn học nước nhà trong thời kỳ ấy là không thể phủ nhận.

Thậm chí cho đến tận giờ Huy Cận vẫn từ chối khái niệm “tan” khi nói về sự chấm dứt hoạt động của Tự lực. “Sau khi Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt vào năm 1941, Nhất Linh lẩn trốn do hoạt động chính trị thân Nhật chống Pháp, Thế Lữ đi lánh – ông giải thích – không kể Xuân Diệu đã vào Mỹ Tho từ đầu năm 1940, Thạch Lam mất năm 1942, Tự lực văn đoàn trong thực tế không còn thành viên hoạt động nữa”. Và Huy Cận có lý vì “tan” chỉ thích hợp với sự chấm dứt hoạt động bởi những lý do nội tại như mâu thuẫn nội bộ hoặc nghiêm trọng hơn, do mâu thuẫn về lý tưởng nghệ thuật. Để nói cái thực thể văn chương này dường như là trời sinh ra để dẫn nhập Thơ mới với lịch sử văn học nước nhà, vừa kịp định vị “” Huy – Xuân ấy trên Thi đàn thì cũng là lúc nó không tồn tại nữa.

Hà Nội, tháng 2 – 2004
—–
(1) Xuân Diệu – Những bước đường tư tưởng của tôi – NXB Văn hóa 1958.
(2) Từ 1939, Huy Cận, thành viên Ban lãnh đạo Tổng hội sinh viên (toàn Đông Dương) đã cùng với Dương Đức Hiền, Chủ tịch Tổng hội và là người có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản, đấu tranh chống khuynh hướng thân Nhật. Năm 1941  Huy Cận tham gia Việt Minh “đánh Pháp đuổi Nhật”. Năm 1943, Xuân Diệu tham gia Việt Minh ở Hà Nội ngay sau khi từ chức Tham tá nhà Đoan ở Mỹ Tho.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>