Sắp xếp lại bộ máy quản lý rừng Việt Nam

Phát hiện nhiều lỗ hổng trong bộ máy quản lý, bảo vệ rừng nên ngành lâm nghiệp đang chấn chỉnh, kiện toàn lại mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thế nhưng, quá trình sắp xếp vẫn còn quá chậm  trong khi nhiều cánh rừng có chủ đang ngày đêm kêu cứu.

Buông lỏng quản lý

Theo dõi diễn biến “chảy máu” tài nguyên rừng hơn 10 năm nay, các nhà quản lý, chuyên môn đều nhìn nhận, phần lớn đều tập trung vào những khu rừng có diện tích lớn. Chủ rừng lớn ở đây là các ban quản lý (BQLRPH), đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Thời điểm này, sau khi đã sắp xếp, toàn tỉnh có 7 BQLRPH, 2 ban quản lý thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Sao La. Các khu rừng còn lại do ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương quản lý. Nắm trong tay diện tích “khủng”, nhưng thực tế các ban quản lý rừng có biểu hiện buông lỏng quản lý.

Tình trạng phá rừng tập trung phần lớn ở các ban quản lý rừng phòng hộ. TRONG ẢNH: Phá rừng phòng hộ Sông Tranh, đoạn qua xã Trà Bui (Bắc Trà My). Ảnh: T.H
Tình trạng phá rừng tập trung phần lớn ở các ban quản lý rừng phòng hộ. TRONG ẢNH: Phá rừng phòng hộ Sông Tranh, đoạn qua xã Trà Bui (Bắc Trà My). Ảnh: T.H

Không ít vụ tiêu cực, đối tượng bị khởi tố hình sự từ chính cán bộ của ban quản lý rừng. Gần đây nhất là nhiều cán bộ kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa bị cách chức, buộc thôi việc. Cuối năm 2015, khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc địa phận xã Trà Bui (Bắc Trà My) bị tàn sát, với hàng chục mét khối gỗ cất giấu trái phép; hiện cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Trà My đang củng cố hồ sơ để làm rõ hành vi sai phạm của đơn vị, cá nhân liên quan. Trước đó vài tháng, Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức đã xử lý kỷ luật và luân chuyển công tác đối với ông Nguyễn Trí –  Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh về hành vi để xảy ra phá rừng trong lâm phận quản lý. Hay rừng giống A Sờ (xã Ma Cooih, Đông Giang) do BQLRPH đầu nguồn A Vương quản lý bị phá tan hoang nên cuối tháng 10.2015, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Và ngày 24.2, cơ quan công an cũng thực hiện lệnh bắt bị can đối với ông Nguyễn Cường – Phó Giám đốc phụ trách BQLRPH Đắc Mi về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đại diện chủ rừng là BQLRPH Phú Ninh từng tiết lộ, có hàng nghìn héc ta rừng do đơn vị quản lý bị người dân xâm hại trái phép dai dẳng suốt thời gian dài. Vì quản lý lỏng lẻo nên người dân mạnh ai nấy phá rừng để mở rộng . Ở các khu rừng phòng hộ Phú Ninh, Đắc Mi, Sông Kôn, Sông Tranh, A Vương… đều bị người dân xâm lấn trồng cây trái phép. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, riêng huyện Bắc Trà My có ít nhất 70ha rừng phòng hộ thuộc BQLRPH Sông Tranh bị tàn phá để mở rộng vùng sản xuất. Tình trạng phá rừng tái diễn có nguyên do từ sự bất cập trong quản lý, chồng chéo trong cơ chế bảo vệ rừng. Thực tế phát sinh nghịch lý, kiểm lâm không thể can thiệp vào khu rừng đã có chủ. Đơn cử, tại huyện Bắc Trà My, xảy ra phá rừng ở Trà Bui, lực lượng kiểm lâm địa phương không thể đến đó xử lý được vì lâm phận thuộc chủ rừng là BQLRPH Sông Tranh quản lý. Ông Nguyễn Nhuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My từng kiến nghị, phải hợp nhất lực lượng bảo vệ rừng, tốt nhất là giải thể BQLRPH Sông Tranh, phân cấp về cho địa phương quản lý.

Trước vướng mắc trên, ngành nông nghiệp đang lập đề án kiện toàn bộ máy để quản lý lại các chủ rừng cho hiệu quả hơn. Theo đề xuất, sẽ thống nhất các đầu mối quản lý về Chi cục Kiểm lâm và lâm nghiệp; kiện toàn lại các BQLRPH, trên cơ sở công chức kiểm lâm hóa để hoạt động mạnh hơn, có lực lượng bán vũ trang thi hành nhiệm vụ. Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, đề án hợp nhất một số đơn vị giữ rừng đang trong giai đoạn lấy ý kiến, nhưng tinh thần sẽ theo hướng hợp nhất, liên kết một số hạt kiểm lâm lại trong quản lý, bảo vệ rừng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành kiểm lâm trong năm 2016 là thực hiện Chỉ thị 17/2015/CT-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đầu tháng 3 này, kiểm lâm tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra đất lâm nghiệp bị lấn trên địa bàn huyện Bắc Trà My và các địa phương khác để có hướng xử lý triệt để.

Theo ông Trần Văn Thu – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, với các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã xác định được đối tượng vi phạm thì xác lập hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, buộc trả lại diện tích đất đã lấn chiếm trái phép cho chủ rừng hoặc giao UBND xã quản lý. Trường hợp phát hiện phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng cây hoặc xây dựng công trình trên diện tích đất bị lấn, chiếm trái phép nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm thì chủ rừng hoặc UBND xã phối hợp với các ngành chức năng xác lập hồ sơ vi phạm. “Việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây trái phép là chuyện nan giải, mất nhiều thời gian và công sức” – ông Thu nói.

TRẦN HỮU

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>